Lịch sử Tích Giang

Xã Tích Giang, vào thời nhà Nguyễn thế kỉ 19, là phần đất thuộc tổng Tường Phiêu (các làng Tường Phiêu, Cung Thận, Sơn Vi,...) huyện Thạch Thất phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây.[1]

Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ khi được hình thành đến nay, nhân dân Tích Giang rất đỗi tự hào về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tổng kết 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, Tích Giang có 231 liệt sỹ, 60 thương, bệnh binh, 33 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 83 gia đình cơ sở cách mạng và kháng chiến; được tặng 1.142 Huân chương Kháng chiến, 962 Huy chương Kháng chiến; nữ du kích Hà Thị Phấn được Bác Hồ viết thư khen ngợi; đồng chí Nguyễn Gia Nghi được tuyên dương danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc vào năm 1952. Đồng thời xã Tích Giang và anh hùng quân đội Hà Nguyên Thị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua đó góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước, kiên cường cách mạng của quê hương Tích Giang và của huyện Phúc Thọ anh hùng.

Nằm trong cái nôi của nền văn hoá xứ Đoài, quê hương Tích Giang có bề dày văn hoá, với nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Toàn xã có 6/26 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, tiêu biểu như đình, chùa Cung Sơn; đình Tường Phiêu; chùa Cựu Linh. Đời sống văn hoá tinh thần của người dân Tích Giang cũng rất phong phú, thể hiện qua những lễ hội được tổ chức xen kẽ quanh năm, ở hầu hết các thôn, làng trong xã.

Ngoài ra, xã Tích Giang còn có truyền thống hiếu học và khoa cử. Với nền kinh tế nông nghiệp thuần tuý, người dân Tích Giang luôn ý thức được việc phải tạo điều kiện để “nuôi thầy, dạy con”. Chính vì vậy, theo thống kê đến hết năm 2015, xã Tích Giang có 7 người có bằng Tiến sỹ; 295 người có bằng Thạc sỹ và Đại học; 96 người có bằng Cao đẳng; trong đó nhiều người con của quê hương được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách quan trọng.